PHÁT HUY THƯƠNG HIỆU ĐÀ LẠT ĐỂ PHÁT TRIỂN

Lâm Đồng, vùng đất Nam Tây Nguyên có một thương hiệu vô giá, không đo đếm được bằng vật chất, đó là Đà Lạt. Phát huy đúng, đủ thương hiệu Đà Lạt sẽ tạo cho Lâm Đồng một sức bật đáng kể. Đây là nhận định chung của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước tại Hội thảo khoa học Định hướng phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030. 

 

Hoa – vẻ đẹp góp phần làm nên thương hiệu Đà Lạt


Đà Lạt: Thương hiệu độc nhất vô nhị tại Việt Nam

 

Đà Lạt, với vị trí địa lý, khí hậu và đất đai chính là món quà quý của thiên nhiên ưu đãi dành cho Lâm Đồng. Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Hoài Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: “Cần xác định khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, đất đai, con người Đà Lạt và Lâm Đồng là tài nguyên, là nguồn lực và nguồn vốn lớn nhất phải được huy động và sử dụng một cách có hiệu quả nhất cho sự bứt phá trong phát triển trong giai đoạn phát triển mới”. Quan điểm của ông cũng là quan điểm thống nhất của những người tham gia hội thảo trong cách nhìn nhận, đánh giá về thương hiệu Đà Lạt. Nhắc tới Đà Lạt, người Việt ngay lập tức nghĩ tới một vùng nghỉ mát tuyệt vời, một thương hiệu rau-hoa ôn đới cao cấp, một vùng đất hiền hòa, thanh lịch. Thương hiệu Đà Lạt không chỉ là hiện tại, nó được kết tinh suốt một trăm năm con người khám phá, xây dựng và làm đẹp cho vùng đất này. Có thể nói, trong tâm trí người Việt, Đà Lạt là thương hiệu nổi bật và không thể nhòa lẫn với bất kỳ một thương hiệu nào khác. Đây chính là thế mạnh không dễ gì có được với những địa phương khác và trong phạm vi nội địa, Lâm Đồng đã làm khá tốt việc tận dụng thương hiệu Đà Lạt.

 

Với tầm ảnh hưởng quốc tế, cũng có thể nói thương hiệu Đà Lạt đã vươn khá rộng trong khu vực và nhiều quốc gia châu Âu. Không sử dụng dữ liệu trong nước mà hoàn toàn độc lập, nhóm tư vấn của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã đánh giá về thương hiệu Đà Lạt một cách cực tốt, nhất là trong lĩnh vực phát triển nông-lâm-ngư nghiệp.  Thương hiệu rau-hoa Đà Lạt đã trở nên quen thuộc với các nước trong khu vực như Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản… Xuất xứ nông sản mang dấu ấn Đà Lạt – Việt Nam cũng mang lại sự yên tâm rất lớn cho khách hàng trong khu vực. Đây là lợi thế rất lớn mà Lâm Đồng cần tận dụng để phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam đã cho hay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản muốn hợp tác làm ăn với Lâm Đồng chính nhờ vào sức hút của thương hiệu Đà Lạt. 

 

Nói không quá lời, các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước đều khẳng định, thương hiệu Đà Lạt chính là giá trị nổi bật nhất của Lâm Đồng và nếu được chú trọng đúng cách, thương hiệu Đà Lạt sẽ giúp Lâm Đồng vượt lên không chỉ trong nước mà sẽ là tầm khu vực.

 

Làm sao để phát huy thương hiệu Đà Lạt

 

Không thể phát huy thương hiệu Đà Lạt nếu không dựa trên tiềm năng sẵn có của Đà Lạt, PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển khẳng định. TS cho hay, qua nghiên cứu lợi thế so sánh giữa các vùng, Viện Chiến lược phát triển từng đề nghị Chính phủ chọn Đà Lạt để phát triển thành một trong số ít những trung tâm kinh tế du lịch lớn mang tầm vóc quốc tế của Việt Nam. Và việc phát triển trung tâm du lịch kéo theo tất cả những hoạt động kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở khác. Đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bảo tồn đa dạng sinh học và kinh tế lâm nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ…

 

Với GS.TS Kukichi Akifumi (Quỹ hợp tác quốc tế Nhật Bản, Đại học Nhật Bản), qua nghiên cứu của ông, Đà Lạt gần giống với Mô hình Okinawa của Nhật Bản và có thể áp dụng theo mô hình trên, đó là hình thành “Cụm ngành nông nghiệp – thực phẩm – du lịch” và những điều này Đà Lạt hoàn toàn có sẵn. Nếu Okinawa có thể vươn dậy thần kỳ sau tàn dư chiến tranh thì Đà Lạt, với nền tảng được giữ gìn tốt hơn hẳn, có thể trở thành một trong những tâm điểm của khu vực. 

 

Thống nhất về hướng phát triển dựa trên tiềm năng sẵn có của Đà Lạt, các nhà khoa học, nhà quản lý còn thống nhất tại điểm mấu chốt để phát triển thương hiệu Đà Lạt, đó là cần có một cơ chế riêng, cơ chế “mở”, mang tính đặc thù dành cho vùng đất khác biệt này. Đà Lạt cần có một cơ chế giúp địa phương tháo gỡ các quy định để thu hút những nhà đầu tư trong nước và nước ngoài lớn, có tiềm lực thực sự vào đầu tư, giúp Đà Lạt tạo nên những giá trị khác biệt, mang tầm thế giới. Lâm Đồng đã có Đề án “Xây dựng cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050” và việc thực hiện tốt đề án này cần một lượng rất lớn chi phí cũng như khả năng quản trị. Mà để có được điều này, một cơ chế ưu đãi là không thể thiếu để thu hút những nhà đầu tư lớn, đủ tầm tham gia vào quá trình phát triển của Đà Lạt. Và trong quá trình xây dựng cơ chế, Lâm Đồng cần xem xét ý kiến, quan điểm của các nhà đầu tư, cùng họ định hình cơ chế để vừa thuận lợi cho các nhà đầu tư, vừa phù hợp với luật pháp và yêu cầu của địa phương. Những địa phương khác trong nước như Đà Nẵng, Bình Dương đã làm rất tốt việc này và các nhà đầu tư lớn đã thổi “luồng gió mới” vào nền kinh tế với những địa phương “trải thảm” đón họ.

 

Giá trị của thương hiệu Đà Lạt đến đâu, phát huy thương hiệu Đà Lạt ra sao, đang là điểm mấu chốt trong sự phát triển trong tương lai của Lâm Đồng. Và thương hiệu Đà Lạt đang chờ được vươn vai tỉnh dậy từ sự cố gắng của chính quyền và cư dân địa phương. Đó là thách thức và cũng là cơ hội của vùng đất với thương hiệu độc nhất vô nhị của Việt Nam: Đà Lạt.

 
Báo Lâm Đồng